Theo báo cáo của Sở Công thương, tính đến hết tháng 5-2017, trên địa bàn tỉnh có 132 chợ, gồm: 21 chợ hạng I, 23 chợ hạng II và 88 chợ hạng III với tổng số điểm kinh doanh là 25.882 điểm.
Công tác xây dựng, nâng cấp chợ trong thời gian qua tuy gặp nhiều khó khăn nhưng cũng đã có một số kết quả đáng ghi nhận. Năm 2015, 31 chợ được đầu tư, nâng cấp với số vốn xã hội hóa chiếm 2,24%; năm 2016, 29 chợ đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa với tổng số vốn xã hội hóa 86,68%. Tính riêng chợ nông thôn, từ năm 2010 đến nay, 16 chợ đã được xây mới, cải tạo, nâng cấp.
Về công tác chuyển đổi chợ, toàn tỉnh hiện có 21 doanh nghiệp, 02 hộ kinh doanh và 02 hợp tác xã đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác 33 chợ. Việc chuyển đổi chợ bước đầu đã mang lại hiệu quả, khai thác được tiềm năng, huy động được nguồn vốn trong các thành phần kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, văn minh thương mại và tăng nguồn thu ngân sách.
Theo kế hoạch đầu tư chợ giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh dự kiến đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp giai đoạn 2017-2020 là 87 chợ, trong đó 25 chợ thuộc diện hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách và 62 chợ từ nguồn xã hội hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh các chợ đầu tư theo hình thức xã hội hoá thành công thì còn không ít những dự án chợ không phát huy được hiệu quả, như chợ Cốc (TX Quảng Yên), chợ Bến Do (TP Cẩm Phả)... Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ diễn ra không đồng đều tại các địa phương, trong đó phần lớn các chợ chuyển đổi đều tập trung tại những thành phố, thị xã. Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc đầu tư, xây dựng, nâng cấp chợ bằng nguồn vốn xã hội hoá còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, Nghị định 02/2003/NĐ-CP và Nghị định 114/2009/NĐ-CP còn nhiều bất cập, một số chợ hiện đã xuống cấp, không đảm bảo điều kiện kinh doanh, kêu gọi xã hội hoá khó khăn nhưng lại không thuộc đối tượng được đầu tư từ ngân sách. Bên cạnh đó, từ tháng 1-2017, toàn bộ phí thuê điểm tại các chợ chuyển sang giá sử dụng diện tích kinh doanh chợ.
Chợ Yên Thanh (Uông Bí) được xây từ bằng nguồn xã hội hóa.
Theo quy định này, các chợ do phường, xã kiêm nhiệm quản lý không thực hiện được việc thu giá sử dụng diện tích kinh doanh chợ. Mặt khác, giá sử dụng diện tích kinh doanh có sự chênh lệch rất lớn giữa chợ do Nhà nước đầu tư và doanh nghiệp đầu tư đã gây ra những khó khăn cho công tác kêu gọi xã hội hoá đầu tư chợ. Vướng mắc lớn nhất của việc đầu tư, nâng cấp, xây dựng các chợ hiện nay đó chính là sự đồng thuận của người kinh doanh. Điều này khiến cho một số chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, nhất là tại các thành phố, thị xã thuộc đối tượng khuyến khích đầu tư từ nguồn vốn xã hội hoá song không thể triển khai xây dựng như chợ Trung tâm Uông Bí, chợ Trung tâm Cẩm Phả...
Bên cạnh đó, do chưa tìm được tiếng nói chung giữa lợi ích của người kinh doanh và doanh nghiệp, nhất là giá thuê khiến nhiều chợ rơi vào tình trạng chợ xây xong mà vẫn đóng cửa như chợ Nam Khê (TP Uông Bí). Điều này khiến một số chợ sau khi đầu tư xây dựng xong không phát huy hiệu quả, gây lãng phí đầu tư, không thu hút được các nguồn lực.
Mới đây, tại cuộc họp về đẩy mạnh công tác đầu tư, nâng cấp, cải tạo chợ bằng nguồn vốn xã hội hóa, đồng chí Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh việc cần thiết phát triển hệ thống chợ xứng tầm với mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ công nghiệp đến năm 2020.
Nhằm đẩy mạnh công tác đầu tư, nâng cấp, cải tạo chợ bằng nguồn vốn xã hội hóa, đồng chí yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tổng hợp và ban hành cơ chế chính sách tổng thể cho nhà đầu tư và hộ tiểu thương, trong đó lưu ý nhân rộng những chính sách đã đạt hiệu quả thực tiễn tại các địa phương. Sở Tài chính tham mưu về vấn đề giá, nghiên cứu lộ trình phân cấp cho các địa phương, chú trọng việc tạo môi trường công bằng giữa các chợ do nhà nước đầu tư cũng như chợ xây dựng bằng nguồn xã hội hóa.
Các chợ được xây dựng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Bên cạnh đó, để việc chuyển đổi mô hình chợ đạt hiệu quả, Sở Công thương cũng cần nghiên cứu, lấy ý kiến các địa phương về việc xây dựng lộ trình, quy chế, quy trình quản lý chợ phù hợp với điều kiện tình hình hiện nay. Các địa phương chủ động rà soát lại quỹ đất, quy hoạch chung phát triển chợ; tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời đến người dân, hộ tiểu thương và các nhà đầu tư nhằm hình thành sự đồng thuận trong cộng đồng.
Trong quá trình nghiên cứu chính sách, các sở, ngành, địa phương chủ động gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư, hộ tiểu thương, các hiệp hội nghề tại chợ để hoàn thiện các nội dung sát với thực tiễn. Dự thảo chính sách hoàn thiện trong tháng 6-2017…/.