Sau 30 năm thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài trong các KCN, KKT tại Quảng Ninh

18/09/2017 08:10
QNP - Trên cơ sở thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của Trung ương, của tỉnh, công tác xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng, thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các KCN, KKT, tạo nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ số vốn đầu tư tăng theo từng năm…

Kể từ khi Ban Quản lý Khu kinh tế được thành lập (năm 2010) và đi vào hoạt động cho đến nay, tổng vốn thu hút đầu tư FDI trên địa bàn KCN, KKT tỉnh đạt gần 2 tỷ USD, trong đó: Cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 25 dự án FDI đạt trên 1,6 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn cho 27 lượt dự án FDI đạt tổng vốn đầu tư tăng thêm trên 273 triệu USD. Năm có số vốn thu hút đầu tư vào các KCN, KKT đạt kết quả cao nhất là năm 2014 (đạt trên 714 triệu USD), tiếp đến là năm 2016 (trên 523 triệu USD) và năm 2012 (trên 368 triệu USD).

Để có được kết quả thu hút đầu tư đạt được như trên là do được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, cụ thể là hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh vào năm 2012 và quá trình tích cực thực hiện công tác xúc tiến đầu tư của Ban Quản lý Khu kinh tế và các ngành. Trong giai đoạn 2010-2017, trung bình hàng năm, Ban Quản lý Khu kinh tế phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư cùng các sở, ban, ngành và địa phương đón tiếp và làm việc với khoảng gần 50 đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu hợp tác đầu tư các dự án trên địa bàn KCN, KKT tỉnh. Trong đó, Ban Quản lý KKT đã tham mưu UBND tỉnh ký kết và trực tiếp ký kết khoảng 10 biên bản ghi nhớ hợp tác quốc tế về đầu tư trên địa bàn KCN, KKT tỉnh với các nhà đầu tư lớn, tiềm năng tại các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư lớn quan trọng của tỉnh. Nhiều bản ghi nhớ hợp tác quốc tế về đầu tư đã được triển khai rất hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho những dự án lớn, trọng điểm của các nhà đầu tư tiềm năng được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và sớm đi vào triển khai hoạt động hiệu quả, đóng góp đáng kể cho sự thay đổi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hạ tầng KCN Texhong Hải Hà ngày một hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp.

Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế đang tích cực hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, đăng ký đầu tư để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt một số dự án mới, quan trọng trong các KCN, KKT tỉnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn KCN, KKT tỉnh Quảng Ninh có tổng số 59 dự án FDI còn hiệu lực đạt tổng vốn đầu tư trên 2,3 tỷ USD. Trong đó, các KCN có 35 dự án FDI (bao gồm cả dự án hạ tầng KCN) đạt gần 2 tỷ USD; KKT Vân Đồn có 04 dự án FDI đạt gần 20 triệu USD và các KKT Cửa khẩu (không bao gồm KCN) có 20 dự án FDI đạt trên 320 triệu USD. Các dự án chủ yếu có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc (chiếm 66,34 %), đứng thứ 2 là đảo Cayman (chiếm 13,44%), đứng thứ 3 là Singapore (9,3%) và đứng thứ tư là Malaysia (2,52%).

... Đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh ngoài mong đợi

Trong những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt các dự án lớn đã đóng góp đáng kể vào giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho lực lượng lao động của tỉnh và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Từ năm 2010 đến nay, hoạt động sản kinh doanh của các dự án FDI trong KCN tăng đều và ổn định. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt trên 7 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 8,7 tỷ USD (trong đó xuất khẩu đạt trên 3,3 tỷ USD) và nộp ngân sách Nhà nước đạt gần 10.000 tỷ đồng.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án FDI trong các KCN đều đạt hiệu quả kinh tế cao.

Việc đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước phải kể đến hoạt động của một số doanh nghiệp sản xuất mạnh, giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh, như: Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (thực hiện dự án Sản xuất các loại dầu thực vật); Công ty TNHH sản xuất Bột mỳ Vimaflour (thực hiện dự án Nhà máy Sản xuất bột mỳ Vimaflour); Công ty TNHH sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật Cái Lân (thực hiện dự án Nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu); Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Long (thực hiện dự án Nhà máy sản xuất sợi). Trong số các công ty này, đứng đầu thu nộp cho ngân sách Nhà nước là Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (đạt gần 322 triệu USD); đứng thứ 2 là Công ty TNHH sản xuất Bột mỳ Vimaflour (đạt 96,65 triệu USD) và đứng thứ 3 là Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long (đạt 27,01 triệu USD).

Cùng với đó, các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh đã tạo công ăn, việc làm ổn định cho hàng vạn người và số lao động không ngừng tăng theo hàng năm. Nếu như cuối năm 2012, lực lượng lao động trong toàn địa bàn KCN, KKT tỉnh trên 3.000 người thì đến hết tháng 6-2017 đã lên đến 18.880 lao động.


Các KCN hàng năm giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động.

Sở dĩ lực lượng lao động tăng lên đáng kể là do địa bàn KCN, KKT đã thu hút thêm được một số dự án quy mô lớn, như: Dự án Nhà máy sản xuất sợi tại KCN Hải Yên, TP.Móng Cái của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long (tổng số lao động 4.146 người); Dự án đầu tư xây dựng chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tại KCN Texhong Hải Hà của Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Hà (tổng số lao động 2.936 người); Dự án Nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị điện ô tô tại KCN Đông Mai của Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng tại Quảng Ninh (tổng số lao động 5.825 người)...

Thay lời kết

Xét theo địa bàn đầu tư, các dự án đầu tư FDI hiện nay chủ yếu tập trung tại các KCN của tỉnh với tổng số 35 dự án, đạt tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, chiếm trên 85% tổng vốn đầu FDI trên toàn địa bàn KCN, KKT. Số dự án đầu tư FDI trong các KKT của tỉnh đạt rất thấp so với nhu cầu thực tế của tỉnh đang cần. Điển hình như KKT Vân Đồn, hiện nay tỉnh đang rất cần các nhà đầu tư vào triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, thế nhưng đến nay mới chỉ có 04 dự án đầu tư với số vốn ít ỏi gần 20 triệu USD, chiếm 0,83% tổng số vốn FDI trong các KCN, KKT.

Từ thực tế trên đặt ra vấn đề, chúng ta cần phải khắc phục những hạn chế, tồn tại trước đây, đó là: cần phải có chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư vượt trội, đặc thù, đột phá vào các KCN, KKT của tỉnh; bố trí nguồn vốn đủ mạnh đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật các KCN, KKT tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút được nhiều dự án FDI có quy mô lớn, có sử dụng công nghệ cao, bởi hiện nay phần lớn các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn các KCN, KKT của tỉnh đều có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực gia công, lắp ráp sử dụng công nghệ đơn giản…

Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục đề xuất các bộ, ngành Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch và thành lập Khu kinh tế tại TX Quảng Yên; thành lập KCN chuyên sâu về cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ tại KCN Việt Hưng; đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và cơ chế quản lý vận hành KCN Cái Lân, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư mới./.

Mạnh Trường


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Thống kê truy cập
Hôm nay: 1921
Đã truy cập: 3349836

© Cổng thông tin điện tử Tỉnh Qu​ảng Ninh
​Giấy phép xuất bản: số 53/GP-TTĐT ngày 27/05/2015 - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông
Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh 
Cơ quan thường trực mạng: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. 
Ghi rõ nguồn "Quảng Ninh Portal" khi phát hành lại thông tin từ ​​Website này.​​