BHXH Quảng Ninh đang triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số, nhằm giảm tối đa các thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tiết kiệm thời gian, chi phí, phục vụ hiệu quả đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp về chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
BHXH tỉnh ra quân tuyên truyền tham gia BHXH, BHYT năm 2022.
Thời gian qua, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả quy trình, nghiệp vụ của ngành, đảm bảo an toàn dữ liệu, an ninh mạng, tăng mức độ chính xác, giảm tối đa giao dịch trực tiếp giữa người dân và cơ quan BHXH. Từ năm 2015, BHXH tỉnh đã triển khai thực hiện phương thức giao dịch điện tử trên toàn hệ thống của ngành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Là đơn vị thực hiện khai thác hầm lò của ngành Than, Công ty CP than Mông Dương có gần 3.400 CNLĐ. Trước đây, mỗi lần giải quyết các thủ tục liên quan đến chế độ, chính sách BHXH, BHYT, cán bộ hành chính của công ty phải trực tiếp đến cơ quan BHXH tỉnh để làm việc, mất nhiều thời gian và chi phí đi lại.
Kể từ năm 2017, Công ty CP Than Mông Dương đã thực hiện phương thức giao dịch điện tử, cán bộ phụ trách BHXH chỉ cần ngồi tại nơi làm việc thực hiện việc khai báo với cơ quan BHXH tỉnh. Trong thời gian rất ngắn, các thủ tục liên quan đã được hoàn tất. Theo chị Phạm Thị Hiền, cán bộ hành chính Công ty CP than Mông Dương, việc áp dụng giao dịch điện tử đem lại rất nhiều thuận lợi. Với phương thức giao dịch hồ sơ điện tử, 8 tháng của năm 2023, Công ty CP Than Mông Dương đã kịp thời giải quyết các chế độ của người lao động liên quan đến tăng, giảm lao động, chế độ công ốm, thai sản, tử tuất, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT phục vụ khám, chữa bệnh và điều trị cho hơn 7.500 lượt người.
Cán bộ phụ trách BHXH của Công ty CP Than Mông Dương thực hiện khai báo giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT ngay tại cơ quan thông qua phương thức giao dịch hồ sơ điện tử.
Phương thức giao dịch hồ sơ điện tử giữa cơ quan BHXH và doanh nghiệp đã tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận lợi trong giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT của doanh nghiệp. Đầu năm 2022, BHXH tỉnh đưa vào áp dụng Bộ thủ tục dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam, gồm 63 dịch vụ.
Trong đó, 19 dịch vụ công được áp dụng riêng đối với tổ chức; 31 dịch vụ công áp dụng riêng đối với cá nhân; 13 dịch vụ công áp dụng chung đối với cá nhân, tổ chức. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết các thủ tục BHXH mà không phải trực tiếp đến cơ quan BHXH.
Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 7.500 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký phương thức giao dịch điện tử, chiếm 90% tổng số đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh tham gia BHXH. Trong 8 tháng năm 2023, BHXH tỉnh đã tiếp nhận 107.600 hồ sơ qua phương thức giao dịch điện tử, chiếm 74% tổng số hồ sơ tiếp nhận.
Người dân làm thủ tục hành chính liên quan chính sách BHXH, BHYT tại Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long.
Cùng với đó, BHXH tỉnh tích cực triển khai hướng dẫn đăng ký, cài đặt ứng dụng BHXH số (VssID) cho người dân trên nền tảng thiết bị di động cá nhân; hỗ trợ người dân thực hiện các TTHC. Đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có 643.572 người cài đặt và sử dụng VssID trên điện thoại thông minh. Sử dụng ứng dụng VssID, người tham gia BHXH có thể theo dõi quá trình đóng, hưởng BHXH, BHYT của mình; thực hiện giao dịch điện tử cá nhân về cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất, cấp lại sổ BHXH; người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH nắm thông tin khi chuyển sang tài khoản cá nhân...
Thực hiện Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 (Đề án 06), BHXH Việt Nam đã và đang phối hợp tích cực với các bộ, ngành, địa phương trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các cơ sở dự liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, như: Công an, tư pháp, thuế, y tế, LĐ-TB&XH...
Bà Đỗ Thị Mỳ (thôn Chợ, xã Vũ Oai, TP Hạ Long) sử dụng CCCD gắn chíp để làm thủ tục khám và điều trị bệnh tại Trạm y tế xã Vũ Oai.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 16 quyết định, 21 kế hoạch và hơn 200 văn bản chỉ đạo điều hành; thành lập Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 1 chỉ thị; 2 kế hoạch và 126 văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án 06.
Để việc triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06, cùng với nhiều giải pháp, BHXH tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh tra cứu dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT để đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính đến hết 30/9/2023, toàn tỉnh có trên 1.261.753 người tham gia, trong đó dữ liệu cá nhân của 1.182.267 người đã được xác thực điện tử thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 94% tổng số người trong toàn tỉnh.
Người dân sử dụng CCCD gắn chíp để đăng ký thủ tục khám chữa bệnh thay thế thẻ BHYT giấy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Theo đó, BHXH tỉnh đã tích hợp thẻ BHYT vào căn cước công dân gắn chíp điện tử trong khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh. Trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 827.594 người sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ BHYT giấy khi khám chữa bệnh và kết nối hệ thống tra cứu kết quả trên cơ sở dữ liệu được tích hợp. Đến nay toàn tỉnh có 125/125 cơ sở khám chữa bệnh BHYT có bệnh nhân đến khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân.
BHXH tỉnh đã thực hiện việc đăng ký cấp thẻ BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi; trợ cấp mai táng phí thông qua dịch vụ liên thông; thực hiện chi trả chế độ BHXH, trợ cấp BHTN không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ cao.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng tập trung đổi mới thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2023 tại điểm cầu Quảng Ninh do BHXH Việt Nam tổ chức.
Hiện nay, BHXH tỉnh đã thực hiện cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 trên cổng dịch vụ công của ngành. Đồng thời tích hợp cung cấp 13 dịch vụ công của ngành trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Công tác chi trả BHXH, BHTN luôn được BHXH tỉnh đảm bảo đầy đủ, đúng chế độ, kịp thời, thuận tiện, an toàn đối với 125.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng. Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với ngành BHXH tỉnh hằng năm đạt 96%. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cho đội ngũ CBCCVC toàn ngành.
Công tác chuyển đổi số luôn được BHXH tỉnh chú trọng và chủ động đi trước một bước, tạo ra những đột phá để phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong lộ trình phát triển, ngành BHXH tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; huy động mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả nhất.