Nằm tại cực Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh được Trung ương xác định là trung tâm liên kết vùng, có vai trò đặc biệt trong thúc đẩy kinh tế khu vực. Đây cũng là cơ hội, thời cơ để tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh đặc thù, riêng có, từ đó ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng kết nối, nhất là các công trình kết nối liên vùng.
Cầu Bến Rừng nối Quảng Ninh - Hải Phòng sẽ hoàn thành trong quý II/2024.
Đầu tư hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá chiến lược được Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhiệm kỳ 2020-2025 và lâu dài. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã thi công hoàn thành hơn 30 công trình giao thông - đều là các dự án giao thông mang ý nghĩa “mở đất, mở đường”, mở các cửa ngõ giao thông kết nối với khu vực, quốc tế, như: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đoạn tuyến cao tốc cuối cùng để hình thành trục cao tốc dọc tỉnh nối liền Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái; cầu Triều nối Quảng Ninh với Hải Dương; cầu Tình Yêu, Bình Minh nối các khu vực của TP Hạ Long sau sáp nhập; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả nối 2 thành phố trung tâm của tỉnh tạo thành vùng kinh tế năng động, phát triển…
Với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, ưu tiên bố trí, sử dụng vốn NSNN như là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác cho phát triển hạ tầng giao thông, theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, tỉnh bố trí gần 60.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông kết nối. Trong đó, có nhiều công trình mới, tiêu biểu kết nối liên vùng đang triển khai và chuẩn bị đầu tư, như: Các nút giao Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh đóng vai trò kết nối khu vực phía Tây với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội; đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với TX Đông Triều, dài 41,2km, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông đối ngoại, đối nội, đồng thời là trục phát triển không gian, kết nối các đô thị quan trọng hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh; các cầu Bến Rừng, Lại Xuân nối với TP Hải Phòng giữ vai trò động lực, hạt nhân mới thúc đẩy tăng cường liên vùng; đường kết nối Hạ Long - Lạng Sơn và Hạ Long - Bắc Giang không chỉ kéo gần khoảng cách, thời gian đi lại giữa các tỉnh mà còn kết nối di sản của các địa phương, mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch liên vùng.
Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì họp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình ngày 11/1.
Năm 2024, với sự nỗ lực ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới, các dự án Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh, cầu Bến Rừng, Lại Xuân, đường kết Quảng Ninh - Lạng Sơn… gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thi công trước đây. Cụ thể, thiếu mặt bằng, thiếu nguồn nguyên vật liệu, điều chỉnh dự án... đã được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo tháo gỡ bằng nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt đồng bộ với quyết tâm hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm nay.
Để giải quyết vấn đề khó khăn về nguồn nguyên vật liệu phục vụ đắp nền, trong tháng 1/2024, UBND tỉnh đã tổ chức 2 cuộc họp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình. Với mục tiêu không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo tốt nhất các điều kiện để các dự án triển khai thuận lợi, phát huy hiệu quả sau đầu tư và đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh…, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện rà soát, thống nhất, tập trung đẩy nhanh giải quyết các hồ sơ pháp lý để cấp phép sớm cho các mỏ đất trong quy hoạch trên cơ sở tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật. Đối với các mỏ chưa thống nhất được đơn giá, chủ mỏ gây khó khăn, không cấp đất cho các dự án đầu tư công đúng theo đơn giá công bố được thẩm định, tỉnh sẽ xem xét, thực hiện thu hồi, bàn giao cho đơn vị khác theo đúng quy định. Tương tự, đối với khó khăn về công tác GPMB và điều chỉnh thiết kế cũng được gắn trực tiếp trách nhiệm cho các chủ đầu tư và địa phương…
Vị trí giáp ranh giữa 2 tỉnh thuộc tỉnh lộ 342 đang được tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Lạng Sơn tổ chức thi công đồng loạt.
Những giải pháp, chỉ đạo cụ thể trên đã nhanh chóng phát huy hiệu quả khi các khó khăn được khơi thông, các dự án tái khởi động, bắt nhịp tiến độ mới để tăng tốc thi công với mục tiêu sớm nhất hoàn thành để đưa vào sử dụng. Theo kế hoạch, trong quý II/2024, các cầu Bến Rừng, Lại Xuân sẽ đưa vào khai thác, tạo thêm 2 công kết nối mới cho Quảng Ninh và Hải Phòng; các nút giao Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh cũng xong trong quý II/2024 mở cửa lưu thông cho khu vực phía Tây của tỉnh, trở thành những cầu nối liên kết vùng hiệu quả; tỉnh lộ 342 đoạn qua huyện Ba Chẽ nối thẳng đến tỉnh Lạng Sơn cũng hoàn thành trong tháng 8/2024.
Thúc đẩy liên kết vùng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Đây là động lực quan trọng để tăng trưởng, hình thành chuỗi kết nối kinh tế đang được Quảng Ninh tập trung thực hiện, góp phần quan trọng để rút ngắn thời gian đi lại giữa các khu vực, từng bước phá đi rào cản ngăn cách giữa các vùng miền, hình thành chuỗi giá trị liên kết, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.