Để ngành công nghiệp tiếp tục là điểm sáng

07/02/2024 16:22

Năm 2023 trong bối cảnh cực kỳ nhiều khó khăn, thử thách với những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu; ngành than gặp nhiều khó khăn; giá vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng đã tác động trực tiếp đến phát triển KT-XH và đời sống của nhân dân. Song dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động ổn định và có nhiều đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.


Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long (KCN Việt Hưng), TP Hạ Long.

Năm 2023 khép lại, Quảng Ninh trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế khi tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 11% (gấp đôi bình quân chung của cả nước), đứng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước và là năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2015-2023) đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 9.400 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020, cao nhất trong Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 2 cả nước. Quy mô nền kinh tế ước đạt trên 310.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2020; lĩnh vực công nghiệp duy trì hoạt động ổn định và tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.

Với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 46,6% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và đóng góp 4,86 điểm % trong tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong 3 năm trở lại đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực, bình quân đạt 19,68% và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP, ngày càng khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế và là một trong những trụ cột chính trong nền kinh tế của tỉnh. Hoạt động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn Quảng Ninh chủ yếu tập trung tại các KKT, KCN được định hướng cụ thể theo các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay, bước đầu đã hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao, cơ khí chế tạo, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện, điện tử, ô tô, sản phẩm quang năng, từng bước cải thiện về giá trị gia tăng, tỷ trọng đóng góp trong GRDP và tốc độ tăng trưởng của ngành đang dần bắt kịp với sự phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, công nghiệp sản xuất điện của Quảng Ninh cũng luôn duy trì tốc độ phát triển khá ổn định. Dù sản lượng điện sản xuất có sự sụt giảm bình quân 1,01%/năm từ năm 2020 đến nay nhưng Quảng Ninh vẫn là địa phương có sản lượng điện sản xuất cao. Ngoài ra, sản lượng than sạch sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đạt cao hơn so với kế hoạch sản xuất đầu năm 1,3%, đây là kết quả tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của ngành than trong hoạt động sản xuất kinh doanh.


KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) hiện cơ bản hoàn thiện hạ tầng, đón nhiều nhà đầu tư thứ cấp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tiếp nối đà phát triển, Quảng Ninh đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2025, thu hút đầu tư vào các KCN tăng bình quân 10%/năm, đạt 1,25 tỷ USD/năm, tạo ra khoảng 22.000 việc làm mới, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 60%. Giai đoạn 2026-2030 thu hút đầu tư vào các KCN, CCN tăng bình quân 8%/năm, đạt 1,8 tỷ USD/năm, tạo ra khoảng 30.000 việc làm mới, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 75%, từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động. Giai đoạn 2030-2040, thu hút đầu tư vào các KCN, CCN tăng bình quân 3%/năm, đạt 2,5 tỷ USD/năm, tạo ra khoảng 50.000 việc làm mới, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 90%...

Hiện thực hoá mục tiêu này, trước mắt trong năm 2024, tỉnh thực hiện rà soát, định vị lại tiềm năng, lợi thế để tập trung, ưu tiên phát triển các KCN bằng việc xây dựng kế hoạch phát triển mới, đặt ra lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn đến năm 2040 với mục tiêu rõ ràng gắn với nhiệm vụ phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo tinh thần Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy; thu hút đầu tư các nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao vào các KCN, KKT, nhất là những KCN có hạ tầng đồng bộ như: Đông Mai, Sông Khoai, Bắc Tiền Phong, Việt Hưng, Hải Hà. Phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành Than; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động sớm nhất, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng các sản phẩm.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chỉ đạo đã có của tỉnh liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh, đủ điều kiện sẵn sàng thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, đặc biệt là tại khu vực, diện tích đất đã hoàn thành công tác GPMB, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối trong, ngoài KCN, KKT; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB, hoàn thiện thi công các dự án hạ tầng KCN, tập trung triển khai các dự án trọng điểm. Đặc biệt quan tâm đến giải pháp cốt lõi đó là hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đồng bộ, liên thông, kết nối vùng, nội vùng và khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành (Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch hệ thống hạ tầng xăng dầu và khí đốt) và các kế hoạch triển khai quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Tập trung, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành điện, than, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thúc đẩy đầu tư, khai thác tối đa năng lực sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới vào các KCN, KKT; ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng lớn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và thu ngân sách.

Minh Thu



Gửi ý kiến phản hồi

Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Thống kê truy cập
Hôm nay: 347
Đã truy cập: 3218698

© Cổng thông tin điện tử Tỉnh Qu​ảng Ninh
​Giấy phép xuất bản: số 53/GP-TTĐT ngày 27/05/2015 - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông
Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh 
Cơ quan thường trực mạng: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. 
Ghi rõ nguồn "Quảng Ninh Portal" khi phát hành lại thông tin từ ​​Website này.​​