Xác định hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển KT-XH, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh tăng cường phối hợp với ngành Điện tích cực triển khai các giải pháp cấp điện liên tục, ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh tại các KCN trên địa bàn tỉnh.
Trạm biến áp 110kV Amata 1 hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần đảm bảo nguồn cấp điện cho nhà đầu tư thứ cấp trong KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên).
Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 KCN được đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ. Năm 2023, ngành Điện đầu tư, hoàn thành một số dự án điện quan trọng, như: Đường dây 110kV cấp điện cho KCN Sông Khoai, trạm biến áp 110kV Đầm Hà… Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh được vận hành ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt tại các KCN và phát triển KT-XH của địa phương.
Điển hình, tháng 10/2023, tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), Ban Quản lý Dự án phát triển điện lực (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc) đã bàn giao, đưa công trình đường dây cấp điện cho trạm biến áp 110kV Amata 1 vào vận hành, sử dụng. Quy mô công trình gồm: 3 máy biến áp 110kV với công suất 3x63MVA; trên 3,5km đường dây 110kV. Công ty Điện lực Quảng Ninh là đơn vị được bàn giao quản lý vận hành đường dây 110kV và Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long sẽ là đơn vị quản lý, vận hành trạm biến áp 110kV Amata.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long - chủ đầu tư KCN Sông Khoai, cho biết: Dự án đưa vào sử dụng góp phần đảm bảo nguồn cấp điện cho trạm biến áp 110kV Amata 1 với quy mô 3x63MVA, cung cấp đầy đủ nguồn điện cho nhà đầu tư thứ cấp trong KCN Sông Khoai, đặc biệt là Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam với công suất sử dụng lên đến 160MW. Chúng tôi mong muốn được đầu tư thêm nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió để cấp cho KCN, bên cạnh việc sử dụng nguồn năng lượng truyền thống từ nguồn điện của EVN. Bởi các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại hiện rất quan tâm tới phát triển bền vững.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện 220kV, 110kV, lưới điện trung hạ áp trên địa bàn tỉnh, tháng 3/2024, Sở Công Thương tổ chức cùng các sở, ban, ngành, UBND các địa phương liên quan làm việc trực tiếp với Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Công ty Điện lực Quảng Ninh để nắm bắt về tình hình tiến độ triển khai, các khó khăn vướng mắc và đề xuất những giải pháp để triển khai thực hiện. Qua buổi làm việc, Sở Công Thương đã báo cáo UBND tỉnh những nội dung cần đề xuất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các địa phương của tỉnh khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan, như: Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư, hướng tuyến, bồi thường GPMB, cấp phép thi công….
Trong giai đoạn 2022-2025, đối với các KCN, KKT của tỉnh, ngành Điện xây dựng các xuất tuyến 110kV để cấp điện đến chân hàng rào với một loạt các dự án lớn, như: Trạm biến áp 110kV Hải Xuân (TP Móng Cái), đường dây 110kV cấp điện cho KCN Việt Hưng (TP Hạ Long), trạm 110kV Nam Hòa cấp điện cho KCN Bắc Tiền Phong và Nam Tiền Phong (TX Quảng Yên), đường dây và trạm biến áp 110kV Đông Triều 2, đường dây và trạm biến áp 110kV (huyện Ba Chẽ) (sau khi có điều chỉnh phê duyệt quy hoạch của Bộ Công Thương). Khi các công trình đi vào hoạt động, tình trạng thiếu nguồn và những hạn chế trong hạ tầng điện trên địa bàn tỉnh sẽ được khắc phục triệt để, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tại KCN ổn định sản xuất.
Công nhân kỹ thuật KCN Sông Khoai theo dõi, vận hành hệ thống cấp điện trong KCN.
Định hướng trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh phát triển thêm nhiều KCN. Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh đang có 16 KCN bao gồm các KCN đã đi vào hoạt động, các KCN đang trong quá trình xây dựng và các KCN đang được nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư. Ngoài 16 KCN đã có, theo quy hoạch mới, tỉnh Quảng Ninh sẽ có thêm 8 KCN mới với tổng diện tích quy hoạch là 6.589,03ha.
Tỉnh đã làm việc với Bộ Công Thương về một số nội dung liên quan đến việc cấp điện cho các KCN; công tác đầu tư phát triển hệ thống điện, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên tạo điều kiện, hỗ trợ tỉnh triển khai các kế hoạch phát triển. Trong đó, bước đầu sẽ thực hiện điều tiết phụ tải, chấp thuận chủ trương đầu tư một số đường dây đấu nối từ trạm biến áp vào các KCN; đầu tư phát triển các dự án nhà máy nhiệt điện đồng phát nhằm tận dụng nhiệt dư từ các dây truyền sản xuất xi măng, dệt nhuộm để phát điện tự dùng tại các KCN, cơ sở sản xuất công nghiệp; xem xét sớm có văn bản hướng dẫn việc đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà… Quảng Ninh sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai đầu tư hạ tầng ngành Điện trên địa bàn. Đồng thời, thành lập tổ công tác đặc biệt, phối hợp, đồng hành cùng ngành Điện để tăng cường công tác thông tin, trao đổi giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ khi triển khai các nhiệm vụ tại Quảng Ninh.