Thời gian qua, Sở Công Thương Quảng Ninh tăng cường giải quyết TTHC theo hướng giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết các thủ tục, từ đó cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Cán bộ Sở Công Thương ở vị trí ô 17 giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Bám sát kế hoạch chỉ đạo của tỉnh, hằng năm, Sở Công Thương xây dựng và ban hành kế hoạch CCHC với nhiều nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể. Trong đó, chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC; nâng cao tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân; thường xuyên rà soát các TTHC để phát hiện những hạn chế, bất cập, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời; tiếp thu phản ánh kiến nghị của công dân, tổ chức; nâng cao vai trò của CBCC tham mưu giải quyết TTHC, nhất là công chức trực tiếp làm việc tại bộ phận một cửa…
Định kỳ hằng quý, Sở tổ chức họp, rà soát đánh giá nhiệm vụ CCHC của các phòng, đơn vị; đôn đốc CBCC sử dụng thư điện tử công vụ trong trao đổi, giải quyết công việc, nâng cao tỷ lệ văn bản đi sử dụng chữ ký số; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về công tác CCHC trên trang thông tin điện tử của Sở. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thường xuyên cập nhật danh mục, nội dung các dịch vụ công ích cấp độ 4 trên hệ thống chính quyền điện tử; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 điện tử trong hoạt động của cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021-2030, kế hoạch CCHC hàng năm và chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh, Sở Công Thương chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc triển khai tới toàn thể CBCCVC-LĐ cơ quan về công tác CCHC nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và công tác kiểm soát TTHC trong lĩnh vực công thương. Từ đó, nâng cao ý thức của CBCCVC trong đổi mới, nâng cao hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Tiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Petro Bình Minh, cho biết: Công ty chúng tôi thường xuyên đăng ký làm TTHC về lĩnh vực xăng dầu. Trước đây phải đến trực tiếp cơ quan giải quyết công việc, mất nhiều thời gian đi lại. Đến nay, muốn giải quyết thủ tục, doanh nghiệp chỉ cần ngồi nhà đăng nhập, tải các các tệp tin thành phần hồ sơ, điền đầy đủ thông tin, rồi nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, thủ tục được giải quyết nhanh, giảm thời gian, chi phí đi lại.
Doanh nghiệp đăng ký, nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia lĩnh vực ngành Công Thương.
Đến nay, tổng số TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Sở là 146 TTHC được thực hiện ở 3 cấp. Trong đó, cấp tỉnh có 129 TTHC, tại 16 lĩnh vực; cấp huyện có 15 TTHC, tại 2 lĩnh vực; cấp xã có 2 TTHC, tại 1 lĩnh vực. Hiện nay, 100% TTHC cấp tỉnh được thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4. Thời gian thực hiện các TTHC cấp tỉnh được cắt giảm từ 1.921 ngày theo quy định xuống còn 854 ngày, giảm 55,54% so quy định; cấp huyện, giảm từ 198 ngày xuống 97 ngày, giảm 51,01%; cấp xã từ 46 ngày xuống 22 ngày, giảm 52,17% theo quy định. Theo thống kê của của Sở Công Thương, quý I/2024, Sở tiếp nhận 8.020 hồ sơ; đã giải quyết 7.975 hồ sơ, trong đó trước hạn 6.457 hồ sơ và trong hạn 1.562 hồ sơ, đạt 100% hồ sơ đã giải quyết. Trong kỳ, không nhận được đơn thư phản ánh, kiến nghị về TTHC.
Bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Trong nhiệm vụ CCHC, Sở Công Thương luôn chú trọng đến công tác rà soát, khắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy mạnh thực hiện. Ngay từ đầu năm, đơn vị đánh giá, rút kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp đối với các tiêu chí tăng, giảm điểm để xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản về khắc phục và các nội dung cần tiếp tục triển khai. Sở tiếp tục nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo; quan tâm bố trí các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ CCHC; đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức; tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra việc công chức gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp trong giao dịch, giải quyết công vụ. Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.