Động lực tăng trưởng kinh tế bền vững

10/06/2024 08:51

Cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, nhất là giai đoạn 10 năm gần đây, Quảng Ninh phát triển nhanh chóng, trở thành hình mẫu về sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng, điểm sáng trong huy động nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng, đẩy mạnh công nghiệp hoá và đô thị hoá. Nỗ lực vượt bậc là động lực, nguồn cảm hứng to lớn, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng phát triển trong mỗi người dân, để Quảng Ninh tiếp tục lập nên những dấu mốc tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới.

Nhìn nhận những thách thức

Từ một địa phương chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh đã vượt lên, trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực phát triển KT-XH, trung tâm đổi mới của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, giữ vững vị trí là cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng phát triển bền vững; tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt trên 11%, là năm thứ 9 liên tiếp đạt mức hai con số; GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt khoảng 9.500 USD, gấp đôi mức bình quân chung của cả nước.


Sản xuất than tại Công ty Than Hạ Long.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, tiến trình phát triển của Quảng Ninh đang đứng trước nhiều khó khăn, trong đó cơ cấu kinh tế chưa thật sự đa dạng; nguồn dân số và lao động còn nhiều hạn chế; lực lượng doanh nghiệp của tỉnh còn mỏng; tác động tiêu cực đến môi trường từ hoạt động khai thác than và các nhà máy nhiệt điện, xi măng.

Thực tế trong quá trình phát triển thời gian qua cho thấy, Quảng Ninh còn phụ thuộc nhiều vào nhóm ngành khai khoáng và sản xuất điện, năng lượng, với tỷ trọng của nhóm ngành này trong cơ cấu kinh tế còn khá cao, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; tỷ lệ người dân xuất cư của tỉnh cao hơn so với tỷ lệ nhập cư do thiếu việc làm hấp dẫn trên địa bàn. Bên cạnh đó, Quảng Ninh là địa phương có năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng đầu cả nước, nhưng số lượng doanh nghiệp còn ít; địa phương có hạ tầng giao thông khá đầy đủ, gồm cả cảng biển, sân bay, khu kinh tế và hệ thống cao tốc đang được hoàn thiện, nhưng vẫn có độ mở về mặt thương mại còn thấp, chưa thật sự đóng vai trò là điểm kết nối thương mại quốc tế của vùng; có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm cao nhất cả nước, năng suất lao động cao, nhưng thu nhập bình quân đầu người trên thực tế còn chưa cao, chưa tương xứng như kỳ vọng.


Công ty Nhiệt điện Đông Triều (TX Đông Triều).

Về kết nối cảng biển, xét tổng thể Quảng Ninh có lợi thế, nhưng hiện chưa phát huy được hiệu quả, ở mức thấp hơn so với TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng, tỉnh Bình Dương và thuận lợi hơn so với TP Hà Nội, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Vĩnh Phúc. Thực tế các mặt hàng qua các cảng của Quảng Ninh chủ yếu là hàng rời như than, clinker, sắt thép. Lượng hàng hóa vận chuyển bằng container còn hạn chế. Năm 2022 tại Quảng Ninh chỉ có 11.000 TEU qua cảng container Cái Lân, trong khi đó cảng Hải Phòng có 5,69 triệu TEU qua cảng trong năm 2021.

Một điều dễ để nhận thấy, tỷ trọng sản lượng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gần đây có sự gia tăng, nhưng vẫn duy trì khoảng cách thấp hơn tương đối xa với ngành khai khoáng. Điển hình năm 2022, tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 11,5%, nhưng tỷ trọng của ngành khai khoáng là 18,3% trong GRDP.

Nhìn một cách tổng thể, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế, có nền tảng phát triển tốt hơn nhiều địa phương khác trong cả nước, nhưng nếu so với nhóm địa phương tiên phong (TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương) thì vẫn thuộc nhóm không có nhiều lợi thế. Đây là sức ép rất lớn đối với tỉnh trước đòi hỏi phải tiếp tục bứt phá, vươn lên trong tuyến đầu, nhất là trong việc thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 “Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân”, như Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.

Cần giải pháp dài hạn

Để tạo lập nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững, Quảng Ninh phải tiến hành nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nổi bật là quá trình chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”; chuyển từ mô hình tăng trưởng thâm dụng tài nguyên sang thâm dụng vốn và công nghệ; từ việc khai thác nguồn lực đất đai sang khai thác những nguồn lực có tính chất bền vững và dựa trên đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, những sự thay đổi đó có thể gặp phải những rủi ro, xáo trộn, những điều chỉnh ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.


Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái).

Bám sát vào Quy hoạch tỉnh, hiện nay UBND tỉnh đang tích cực xây dựng, hoàn thiện đề án “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030” dựa trên những tiềm năng, lợi thế đã được nhận diện, với 6 hệ giá trị cốt lõi đã được chỉ ra “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”. Trong đó tập trung thúc đẩy sự phát triển 9 lĩnh vực ưu tiên đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh, bao gồm: Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chuyển đổi năng lượng (liên quan đến việc chuyển dịch của lĩnh vực công nghiệp sản xuất điện); phát triển và chuyển đổi ngành công nghiệp khai khoáng; phát triển ngành dịch vụ du lịch; phát triển ngành dịch vụ thương mại; phát triển ngành dịch vụ logistics; phát triển ngành dịch vụ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm; phát triển lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; phát triển kinh tế biển.

Đi vào những giải pháp cụ thể, tỉnh chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho những lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các ngành mới (sản xuất linh kiện xe điện, năng lượng mới, e-logistics…) cùng với các ngành hiện tỉnh còn thiếu, như: Du lịch, kinh tế biển; thúc đẩy hợp tác đào tạo nghề giữa hệ thống trường nghề và doanh nghiệp. Tháo gỡ điểm nghẽn trong việc kết nối đồng bộ vào các tuyến, hành lang phát triển, chuỗi giá trị nhằm phát huy mạnh mẽ lợi thế của liên kết vùng, hợp tác xuyên biên giới; thúc đẩy mạnh mẽ hơn kết nối các trục, tuyến hành lang giao thông: Lạng Sơn - Bắc Giang - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh; hợp tác Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh. Từ kết nối về giao thông để tăng cường kết nối về logistics, lao động, du lịch, vận chuyển hàng hoá…


Sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tại Nhà máy Jinko Solar 1 (KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên).

Để tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại xuyên biên giới, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại khu vực bãi tập kết hàng hóa tại các cửa khẩu; triển khai quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng khu vực kho bãi tập kết hàng hóa tập trung và hình thành Trung tâm giao dịch hàng hóa hoa quả, thủy sản tại TP Móng Cái, nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi trong việc giao dịch với các thương nhân Trung Quốc và bảo quản tốt hàng hóa trong thời gian chờ xuất, nhập khẩu; tăng cường quản lý hoạt động dịch vụ logistics (kho bãi, bốc xếp, vận chuyển, dịch vụ thủ tục) tại các cửa khẩu, lối mở nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để giảm giá thành và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trong liên kết nội vùng, Quy hoạch tỉnh đã xác định không gian phát triển theo mô hình "Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực". Theo đó, 3 vùng động lực tập trung cho phát triển đại đô thị, đô thị du lịch biển, núi và đô thị kinh tế cửa khẩu. Tuy nhiên, cần chú ý hơn đến liên kết nội vùng, gắn đô thị hoá với công nghiệp hoá, lấy công nghiệp hoá để dẫn dắt đô thị hoá; lấy việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư và lao động để từng bước hình thành các đô thị mới một cách bền vững, qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch nông thôn - đô thị và chuyển dịch lao động, hạn chế các nhu cầu ảo tăng cao tạo ra các cơn sốt đất, sốt bất động sản do quá trình đô thị hoá gây ra.


Hành khách thực hiện thủ tục lên máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Bên cạnh các khu công nghiệp mang tính tổng hợp như khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ, một trong những đột phá Quảng Ninh cần tiếp tục thực hiện là phát triển các khu công nghiệp chuyên biệt, khu công nghệ cao để thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, tạo lập hệ sinh thái phù hợp cho doanh nghiệp hoạt động theo hướng đáp ứng được các yêu cầu về hạ tầng hiện đại; xây dựng chiến lược thu hút đầu tư tư nhân và FDI; tăng cường hỗ trợ, kích hoạt đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách mang tính đột phá, ưu tiên phân bổ tín dụng ưu đãi, thuế cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình hấp thụ công nghệ từ các nước tiên tiến; các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu và phát triển công nghệ hoặc liên kết với các viện, trường trong nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Với sự chủ động tạo lập, nhận diện khó khăn và những giải pháp tháo gỡ, tăng trưởng kinh tế bình quân của Quảng Ninh đến năm 2030 đạt mức 2 con số (10%), GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt mức 19.000-20.000 USD là hoàn toàn khả thi. Kết quả này đóng góp tích cực cùng với Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước hướng tới đưa Việt Nam trở thành một quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

 

Mạnh Trường



Gửi ý kiến phản hồi

Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Thống kê truy cập
Hôm nay: 1907
Đã truy cập: 3349822

© Cổng thông tin điện tử Tỉnh Qu​ảng Ninh
​Giấy phép xuất bản: số 53/GP-TTĐT ngày 27/05/2015 - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông
Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh 
Cơ quan thường trực mạng: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. 
Ghi rõ nguồn "Quảng Ninh Portal" khi phát hành lại thông tin từ ​​Website này.​​