Theo phản ánh của người dân, tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đầm Hà còn tồn tại các cơ sở tiểu thủ công nghiệp hoạt động ngay trong khu dân cư, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Cử tri đề nghị tỉnh sớm quyết định thành lập các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn huyện để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đồng thời di dời các nhà xưởng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi... vào CCN.
Cơ sở sửa chữa ô tô, thiết bị xe máy của anh Lương Thanh Phúc (phố Hoàng Văn Thụ, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà) nằm ngay trong khu dân cư.
Cơ sở sửa chữa ô tô, thiết bị xe, máy của anh Lương Thanh Phúc (phố Hoàng Văn Thụ, thị trấn Đầm Hà) nằm ngay trong khu dân cư, sát cạnh nhà dân. Với diện tích khoảng 500m2, chỉ cần một chiếc máy xúc vào sửa chữa là đã không còn chỗ cho các phương tiện khác. Điều dễ dàng nhận thấy ở đây không gian chật chội, ẩm thấp; mùi dầu thải khét lẹt toàn nhà xưởng, chưa kể tiếng ồn từ việc gò, hàn phát ra trong quá trình sửa chữa đã ảnh hưởng đến những hộ dân sống xung quanh.
Anh Phúc cho biết: Chúng tôi cũng nhận thức được việc sản xuất trong khu dân cư khó tránh khỏi sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân. Vì vậy, chúng tôi rất mong chính quyền hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nhỏ vào khu tập trung để không gây ô nhiễm như hiện nay.
Tương tự, xưởng mộc của gia đình anh Ngô Văn Kiều (phố Bắc Sơn, thị trấn Đầm Hà) có diện tích khoảng 400m2, khuôn viên xung quanh có hàng rào và được che chắn bằng tôn cao khoảng 5m. Tuy nhiên, do xưởng sản xuất ngay trong khu dân cư nên tiếng ồn của máy cưa, đục... mùi sơn luôn phảng phất trong không khí, đặc biệt là bụi mùn cưa thì nhiều vô kể, có ở mọi ngóc ngách đã ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Anh Kiều cho biết: Gia đình đang muốn mở rộng phát triển sản xuất, nhưng khó thuê được mặt bằng đáp ứng các yêu cầu làm nhà xưởng. Do vậy, việc tỉnh và huyện sớm triển khai xây dựng CCN để đưa các cơ sở vào khu sản xuất tập trung là rất cần thiết, vừa đảm bảo điều kiện cho cơ sở sản xuất phát triển, vừa đảm bảo môi trường trong các khu dân cư.
Hiện nay các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Đầm Hà chủ yếu tập trung tại thị trấn. Sự trăn trở về khó khăn khi muốn mở rộng quy mô sản xuất do thiếu quỹ đất là nỗi lòng chung của nhiều chủ cơ sở, hộ sản xuất các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở huyện hiện nay.
Xưởng sản xuất mộc dân dụng của gia đình anh Ngô Văn Kiều (phố Bắc Sơn, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà).
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ thành lập 28 CCN. Ngành nghề thu hút chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, sửa chữa cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp dệt may, chế biến thực phẩm... Đến thời điểm hiện tại, CCN phía Đông Đầm Hà B tại xã Tân Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Chủ đầu tư dự án đang trình UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, chủ đầu tư sẽ tiếp tục triển khai thực hiện.
Đại diện Công ty CP Shinec - Chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN phía Đông Đầm Hà B, cho biết: Sau khi được Hội đồng đánh giá lựa chọn làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, chúng tôi đã tích cực thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để sớm triển khai dự án theo tiến độ đã cam kết. Phấn đấu đến tháng 5/2026, dự án chính thức vận hành, khai thác kinh doanh, tiếp tục xúc tiến đầu tư bán hàng với mục tiêu trong năm đầu khi dự án đi vào hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy 50%, năm thứ 2 đạt 85% và năm thứ 3 đạt 100%.
Theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 CCN phía Đông Đầm Hà B, chủ đầu tư dự án đã bố trí 2,74ha cho việc thực hiện di dời các nhà xưởng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi... vào CCN, để giải quyết vấn đề gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư như hiện nay. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành quan tâm, giải quyết sớm các thủ tục, tạo điều kiện để chủ đầu tư thực hiện đảm bảo đúng quy định và tiến độ đã cam kết.