Nơi ghi dấu tinh thần bất khuất của thợ mỏ

04/09/2024 06:20

Quảng Ninh là một "cái nôi" hình thành và phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam. Những dấu ấn của thợ mỏ thấm đẫm, trải dài và lan rộng trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh. Đây là động lực quan trọng để mỗi người dân Vùng mỏ luôn nỗ lực lao động, sáng tạo, vượt qua bao khó khăn, xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu mạnh.


Quảng trường 12/11 (TP Cẩm Phả) nơi diễn ra cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936.

Di tích lịch sử Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam (còn gọi là Di tích Miếu Mỏ) thuộc địa phận thôn Trại Hà, xã Yên Thọ (TX Đông Triều). Năm 2008, Địa điểm này được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích cấp tỉnh. Vào mỗi dịp lễ, Tết, ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ, các đơn vị ngành Than về đây dâng hương như một nét đẹp truyền thống, tri ân các bậc tiền nhân khai sinh ra ngành Than Việt Nam và những người thợ mỏ đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than, tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống; đồng thời giáo dục tinh thần yêu nước, yêu nghề, yêu quê hương cho cán bộ, đảng viên, người lao động TKV.

Cẩm Phả là địa phương chiếm phần lớn di tích về ngành Than. Mảnh đất này là nơi mở đầu cuộc Tổng bãi công lớn nhất của hơn 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936 với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng”. Đây là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa rất to lớn, tiêu biểu cho phong trào cách mạng nước ta thời kỳ 1936-1939. Năm 1996, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) có quyết định công nhận xếp hạng Nơi mở đầu cuộc Tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936 là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Là cái nôi của phong trào công nhân, Cẩm Phả để lại nhiều dấu tích, công trình kiến trúc, mang nhiều giá trị, phản ánh một giai đoạn lịch sử hào hùng ở Vùng mỏ, như: Cầu trục Poóc-tích số 1, Trận địa pháo cao xạ 37mm, Hầm chỉ huy số 1, Khu di tích và danh thắng Vũng Đục, Trụ sở Báo Than… Đặc biệt có di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Mỏ than Đèo Nai năm 1959, được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 2016.


Các đại biểu dâng hương tại Di tích địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai.

Ngày 30/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm mỏ Đèo Nai, nói chuyện với công nhân, cán bộ công trường… Tại đây Bác căn dặn: “Ngày nay, khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm...”. Những lời dạy của Bác luôn là kim chỉ nam cho các thế hệ công nhân mỏ, hăng say lao động sản xuất, tiếp nối, lan tỏa những giá trị tinh thần tốt đẹp.

TP Hạ Long cũng là địa phương còn lưu giữ những dấu ấn một Vùng mỏ Anh hùng. Đầu tiên phải kể đến Di tích trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (nay là Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh của TKV, đường Lê Thánh Tông, phường Hồng Gai, TP Hạ Long), nơi gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của ngành công nghiệp khai thác và hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh than tại Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung. Di tích này được xếp hạng là di tích cấp tỉnh năm 2021.


Công nhân Công ty Than Thống Nhất khai thác than trong lò chợ. Ảnh: Phạm Tăng

Những di tích về ngành Than không chỉ là chứng tích ghi dấu một giai đoạn hào hùng của lịch sử Vùng mỏ, mà còn là những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng tự hào, tự tôn cho thế hệ trẻ. Qua đó mỗi người dân hiểu rõ hơn về lịch sử truyền thống của ngành Than nói riêng, Vùng mỏ nói chung, nhất là sự gắn bó mật thiết, máu thịt, "Tuy hai mà một, tuy một mà hai” giữa Quảng Ninh và ngành Than, phát huy truyền thống, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”. Bằng nhiều nguồn lực, tỉnh luôn quan tâm tôn tạo, gìn giữ và phát huy các di tích.

Thực tế đã chứng minh, “Kỷ luật và Đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng” đã vượt qua giá trị khẩu hiệu hành động ngày ấy, trở thành bài học quý, là động lực tinh thần để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục vượt qua những chặng đường gian khó, nhất là trong 3 năm (2020-2022) bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, để tăng tốc phát triển, tạo nên những kỳ tích mới.

Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023). Quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng nhanh, năm 2023 đạt 315.839 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so với năm 2010, gấp 58,2 lần so năm 2000 và 334,2 lần so với năm 1991, đứng thứ 3 khu vực phía Bắc (sau TP Hà Nội, TP Hải Phòng), đóng góp 10,1% vào tổng quy mô nền kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng. Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp cao nhất vào ngân sách cả nước (thu nội địa giai đoạn 2016-2020 đứng trong top 5/63 tỉnh, thành có số thu cao), là một trong 18 địa phương trong nước có điều tiết ngân sách cho quốc gia.

Hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn lực nhà nước, được đầu tư tập trung, bài bản, khoa học, tỉnh đã xây dựng mới 3.182km đường bộ, nâng tổng chiều dài đường bộ toàn tỉnh lên hơn 6.000km, trong đó có 176km cao tốc, đưa Quảng Ninh là địa phương có số km đường cao tốc nhiều nhất nước hiện nay.

Quảng Ninh có tốc độ đô thị hóa nhanh thuộc diện cao nhất nước, với 4 thành phố, 2 thị xã trực thuộc tỉnh, tỷ lệ đô thị hóa đến hết năm 2023 đạt 69,46%. Trong đó TP Hạ Long dần trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, gắn với Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.


Đời sống của người dân Ba Chẽ được nâng cao.

Các vùng miền trong tỉnh có sự phát triển khá cân đối, chênh lệch vùng miền dần được thu hẹp, đời sống người dân được nâng cao. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 9.500 USD, gấp 3,9 lần so với năm 2010, gấp 21,6 lần so với năm 2000 và 40,5 lần so với năm 1995, gấp 2,23 lần so với bình quân chung cả nước, đứng thứ 2 toàn quốc. Trong đó đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đạt 6,1 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,23 lần so với thu nhập bình quân cả nước.

"Kỷ luật và Đồng tâm" đã hòa trộn cùng văn hóa, con người và mảnh đất Quảng Ninh, đi suốt chiều dài lịch sử đã trở thành sức mạnh tinh thần làm nên những thắng lợi vẻ vang, là tài sản tinh thần vô giá có sức mạnh to lớn làm nên tầm vóc của Vùng mỏ Anh hùng. Khó khăn, thách thức phía trước vẫn còn nhiều, tin tưởng rằng với truyền thống, văn hóa và tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” đã được hun đúc, được khẳng định, Quảng Ninh sẽ tiếp tục tạo nên những kỳ tích mới, viết tiếp những trang sử tự hào.

Cao Quỳnh


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Thống kê truy cập
Hôm nay: 268
Đã truy cập: 3218619

© Cổng thông tin điện tử Tỉnh Qu​ảng Ninh
​Giấy phép xuất bản: số 53/GP-TTĐT ngày 27/05/2015 - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông
Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh 
Cơ quan thường trực mạng: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. 
Ghi rõ nguồn "Quảng Ninh Portal" khi phát hành lại thông tin từ ​​Website này.​​