Chỉ sau 5 năm đưa vào khai thác chuỗi giao thông trọng điểm (sân bay, cảng tàu quốc tế, cao tốc…) Quảng Ninh đã trở thành tỉnh phát triển hạ tầng giao thông nhanh nhất cả nước. Các công trình giao thông đã phát huy vai trò chủ thể, là động lực quan trọng để tỉnh liên tiếp gặt hái được những thành công trong phát triển.
Quảng Ninh liên tiếp đón các hoạt động cảng biển, du lịch quốc tế khi có hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi.
Sau gần 40 năm đổi mới cùng đất nước, chưa bao giờ vai trò, vị thế của Quảng Ninh được khẳng định mạnh mẽ như hiện nay. Quảng Ninh không chỉ được biết đến là tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo; cực tăng trưởng khu vực phía Bắc với 9 năm liên tiếp tăng trưởng 2 con số, quy mô nền kinh tế đạt 315 tỷ đồng (nằm trong nhóm 7 tỉnh dẫn đầu cả nước), là trung tâm thu hút vốn FDI với tổng vốn thu hút năm 2023 đạt trên 3,1 tỷ USD…; mà còn là trung tâm du lịch quốc tế, tỉnh có hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước, tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao thứ 5 cả nước; GRDP bình quân đầu người dự kiến hết năm 2024 đạt 10.000 USD…
Những thành công đó là sự kế thừa thành tựu của nhiều thế hệ, định hình tư duy phát triển của tỉnh theo phương châm “tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương”. Tỉnh luôn xác định giao thông là mạch máu của nền kinh tế, giao thông đồng bộ sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, tạo lợi thế vượt trội để phát triển… Do vậy tỉnh đã sớm nhận định được những mâu thuẫn, thách thức, “nút thắt” để tìm cách gỡ bỏ. Năm 2019 Quảng Ninh mở cả 3 "cánh cửa" kết nối với thế giới là sân bay, cảng biển, cao tốc dọc tỉnh, được đầu tư đồng bộ, đi kèm là những giá trị cảnh quan hiện đại, đẳng cấp vào khai thác.
Các công trình được ví như mạch máu của sự phát triển khi kết nối đến hầu khắp các trung tâm kinh tế, du lịch, KCN, đô thị của tỉnh và quốc tế trong tổng thể liên thông, đồng bộ, rút ngắn về khoảng cách và thời gian, mở rộng không gian phát triển. Quảng Ninh trở thành tỉnh sở hữu đa dạng, đồng bộ và nhanh nhất cả nước về phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông ở cả 3 loại hình là đường bộ, đường hàng không và đường biển.
Hệ thống cao tốc dọc tỉnh kết nối các vùng miền, thúc đẩy các tiềm năng, lợi thế để phát triển.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Quảng Ninh đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, với chính sách thu hút đầu tư, huy động nguồn vốn xã hội hóa cho công cuộc đổi mới. Từ nguồn lực xã hội hóa, tỉnh đã tạo nên những công trình hiện đại bậc nhất cả nước, đi vào lịch sử của ngành GTVT Việt Nam. Tỉnh đã huy động được những nguồn lực lớn, không phải là từ ngân sách, mà từ sự đoàn kết, đổi mới tư duy, cải thiện môi trường đầu tư, để thu hút vốn phục vụ phát triển.
Với hạ tầng đồng bộ ở cả 3 loại hình giao thông, chưa bao giờ việc đi lại, kết nối giữa các khu vực và quốc tế đến với Quảng Ninh và ngược lại thuận lợi, nhanh như hiện nay. Chỉ cần 4 giờ bay, các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản có thể đến Hạ Long. Thay vì 3,5 giờ từ Thủ đô Hà Nội đến Hạ Long, 6 giờ để đến TP Móng Cái trước đây, nay thời gian di chuyển chỉ bằng 1/2 khi tỉnh sở hữu tuyến cao tốc dài 176km. Tuyến đường được ví như trục xương sống quan trọng, là tuyến giao thông trọng điểm của cả vùng, động lực quan trọng để hình thành lên trục cao tốc phía Đông Việt Nam, kéo dài từ Hà Nội đến Móng Cái.
Hạ tầng giao thông kết nối đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn nhất miền Bắc.
Hạ tầng giao thông đã góp phần quan trọng trong nâng cao vị thế của tỉnh, tác động mạnh tới giao thương, vận tải hàng hoá, phát triển du lịch, thu hút đầu tư... Bởi rút ngắn khoảng cách giao thông làm giảm cước phí vận tải, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp… Quảng Ninh đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế với hơn 100 dự án FDI được triển khai trong 5 năm qua; du khách đến tỉnh năm 2024 dự kiến đạt 20 triệu lượt... Điều này đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn; đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao theo hướng hạnh phúc.
Mục tiêu đến năm 2030 Quảng Ninh quyết tâm xây dựng, phát triển trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; GRDP bình quân đầu người hơn 15.000 USD/năm. Đến năm 2045 là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn...
Quy hoạch khu vực trung tâm TP Hạ Long đến năm 2040.
Để đạt được điều này, tỉnh xác định rõ các quan điểm, định hướng lớn, các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá. Trong đó, bên cạnh các nhiệm vụ đặt ra cho từng năm, tỉnh đã hoàn thành và được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông kết nối…
Quảng Ninh hôm nay đã khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới. Đó là thành quả của những khát vọng đổi mới không ngừng, của sự nỗ lực, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó hạ tầng giao thông chính là tiền đề, nền tảng quan trọng, tạo đà cho Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, từng bước hiện thực hóa khát vọng chứa đựng trong nội hàm tên gọi: “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững.