Tỉnh xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là yếu tố then chốt xuyên suốt các nhiệm kỳ. CCHC của tỉnh ngày càng hiện đại, minh bạch nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Người dân ở bất cứ đâu cũng có thể giải quyết TTHC qua hình thức trực tuyến.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng CCHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp gắn với định vị thương hiệu tỉnh Quảng Ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, tỉnh xác định CCHC là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Đối với CCHC, tỉnh tập trung triển khai toàn diện trên 6 trục nội dung. Trong đó công tác cải cách TTHC được xác định là một nhiệm vụ quan trọng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân khi giải quyết công việc liên quan với nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai.
Các TTHC được niêm yết, công khai đầy đủ, kịp thời quy trình giải quyết được tái cấu trúc, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm của từng cán bộ và thực hiện triệt để trên môi trường điện tử. Hằng năm tỉnh luôn rà soát TTHC để bổ sung, sửa đổi, cắt giảm. 6 tháng đầu năm 2024 tỉnh ban hành 30 quyết định công bố danh mục TTHC; trong đó: 70 TTHC mới; 272 TTHC sửa đổi, bổ sung; 76 TTHC bãi bỏ. Công tác kiểm tra, giám sát luôn được thực hiện chặt chẽ, sát sao bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến qua hệ thống phần mềm giám sát tự động theo thời gian thực, góp phần quản lý chất lượng giải quyết TTHC, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm; thực hiện thông báo, công khai danh sách đơn vị, địa phương chậm, muộn trong giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Phường Yên Giang (TX Quảng Yên) gắn mã QR Code các TTHC, tạo thuận tiện cho người dân tra cứu.
Nhận diện đúng tình hình, những cơ hội và thách thức, đồng thời khẳng định vẫn còn nhiều dư địa để cải cách, Quảng Ninh đã thể hiện rõ quan điểm và quyết tâm tiếp tục nâng cao chất lượng chuyển đổi số trong giải quyết TTHC. Hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh được xây dựng, áp dụng hệ thống phần mềm ISO điện tử. Quảng Ninh đã cung cấp 69,9% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 30,2% dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, tích hợp 78% lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% TTHC đủ điều kiện được thực hiện theo quy trình “5 bước tại chỗ” và “5 bước trên môi trường điện tử”, gắn với sử dụng chữ ký số cá nhân, chứng thư số thứ hai trong giải quyết TTHC. 100% thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đủ điều kiện được số hóa lưu vào kho dữ liệu của người dân trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; tỷ lệ tái sử dụng giấy tờ số hóa tính trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt trung bình 88,6%. 100% phí, lệ phí TTHC thanh toán không dùng tiền mặt tại cấp tỉnh, cấp huyện; tỷ lệ hồ sơ trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích đạt trung bình trên 50%. Hiện thời gian tiếp người dân đến thực hiện TTHC đạt trung bình 13,3 phút/lần giao dịch; tỷ lệ đánh giá mức độ hài lòng qua hệ thống phiếu khảo sát luôn đạt trên 99,9%…
Nhiều giải pháp đổi mới về chuyển đổi số trong giải quyết TTHC được triển khai, như: Niêm yết TTHC bằng mã QR; sử dụng biên lai điện tử; tiện ích hẹn giờ; tin nhắn thông báo tình trạng hồ sơ; đăng ký cấp bổ sung chứng thư số và chữ ký số cho cán bộ; cung cấp miễn phí trên 20.000 chữ ký số công cộng cho người dân. Hiện chỉ cần có thiết bị thông minh kết nối mạng internet, người dân có thể tra cứu thông tin, thực hiện các giao dịch giải quyết TTHC mọi lúc, mọi nơi; có thể khai thác, tái sử dụng các kết quả giải quyết TTHC được lưu trong kho lưu trữ điện tử.
Nhân viên VNPT hướng dẫn và tạo chữ ký điện tử cho người dân tại Trung tâm Hành chính công huyện Hải Hà.
Cùng đột phá trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tỉnh tiếp tục tổ chức, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo phương án tổng thể, giai đoạn 2023-2025 tỉnh sẽ thực hiện sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó huyện Ba Chẽ sáp nhập xã Minh Cầm vào xã Lương Mông; TP Cẩm Phả sáp nhập xã Cẩm Hải vào xã Cộng Hòa; TX Đông Triều sáp nhập xã Tân Việt vào xã Việt Dân, phường Đông Triều vào phường Đức Chính; TP Móng Cái sáp nhập phường Hòa Lạc vào phường Trần Phú; TP Hạ Long sáp nhập phường Trần Hưng Đạo vào phường Yết Kiêu. Sau sắp xếp, toàn tỉnh từ 177 còn 171 đơn vị hành chính cấp xã. Đến thời điểm này nhiều phường, xã đã hoàn thành rà soát, lập danh sách cử tri, niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND xã, phường, các nhà văn hóa thôn, khu phố, các điểm tổ chức lấy ý kiến cử tri.
Xác định con người là yếu tố then chốt quyết định thành công của công tác CCHC, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC lên hàng đầu. Trong 3 năm (2021-2023) có trên 16.100 lượt CBCCVC được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tổng kinh phí 31 tỷ đồng.
Cùng với đó, cải cách thể chế, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công được tỉnh thực hiện đồng bộ và thực chất. Đến nay Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong nước duy trì 7 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân PCI; 5 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS; 6 năm dẫn đầu chỉ số PAR Index; đặc biệt, 2 năm 2020 và 2023 đồng thời dẫn đầu cả 5 chỉ số CCHC.
Với phương châm xuyên suốt "Cải cách hành chính chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc", tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nội dung CCHC. Qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Từ đó tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực có tính đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển của tỉnh.