Doanh nghiệp gồng mình khôi phục sản xuất sau bão lũ

18/09/2024 14:00

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp làm đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ngay khi cơn bão đi qua, nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh là công việc được nhiều doanh nghiệp, đơn vị tập trung triển khai để sớm ổn định.

Đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, trao đổi, tiếp nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 tại Vân Đồn.

Nỗ lực khôi phục hoạt động

Đã hơn 10 ngày bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh, tàn dư của bão để lại vô cùng nặng nề cho các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các doanh nghiệp đều bị thiệt hại về tài sản, nhà xưởng, kho bãi, đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các đơn vị ngành than và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch.

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh đã có những chia sẻ, động viên kịp thời; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tổng hợp thiệt hại, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tái hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Công ty CP Ngọc trai Hạ Long, một trong những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nuôi cấy ngọc trai chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3. Hai trang trại nuôi trai trên Vịnh Hạ Long của Công ty đều bị bão tàn phá nặng nề; 2 cửa hàng chế tác, trưng bày và bán các sản phẩm ngọc trai của Công ty tại phường Hà Khẩu bị bão làm tốc mái... Tuy nhiên, càng trong khó khăn, bản lĩnh của Công ty lại càng được khẳng định, khi toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty đoàn kết, đồng lòng sớm triển khai dọn dẹp, vệ sinh môi trường, kết nối với các đối tác để khắc phục, sửa chữa và chỉnh trang lại khuôn viên cửa hàng.


Công ty CP Ngọc trai Hạ Long đón những đoàn khách đầu tiên sau bão số 3. Ảnh: Đào Linh

Ngày 13/9 vừa qua, Công ty CP Ngọc trai Hạ Long đã chính thức mở lại cửa hàng Mỹ Ngọc, đón những đoàn khách đầu tiên trở lại tham quan, trải nghiệm nghề nuôi trai cấy ngọc tại Hạ Long sau cơn bão số 3. Ước tính đã có trên 10 đoàn khách, với trên 200 khách đã tới tham quan, mua sắm tại cửa hàng Mỹ Ngọc của Công ty CP Ngọc trai Hạ Long tại khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu (TP Hạ Long). Đa số khách đến từ các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp; ngoài ra còn có một số khách đến từ Malaysia.

Bà Nguyễn Thùy Hương, Giám đốc Công ty CP Ngọc trai Hạ Long, cho biết: Chúng tôi sẽ khẩn trương khắc phục, sớm đưa trở lại hoạt động các cửa hàng còn lại; đồng thời tiến hành thăm dò lại toàn bộ nguồn trai nguyên liệu và trai đã được nuôi cấy tại Hạ Long, từ đó đưa ra kế hoạch chuyển nguyên liệu từ Nha Trang và Phú Quốc ra Quảng Ninh để kịp cho vụ cấy mới. Với tâm huyết và quyết tâm cao nhất, đồng bộ với sự phục hồi của du lịch Vịnh Hạ Long sau bão số 3, chúng tôi phấn đấu trong tháng 12/2024 sẽ khắc phục cơ bản trang trại nuôi cấy ngọc trai trên Vịnh Hạ Long.

Cảng container quốc tế Cái Lân, một trong những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics cũng sớm có nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sau bão. Trước những tổn thất về hệ thống băng chuyền tải hàng xuống tàu, đơn vị đã thay thế bằng hệ thống thùng container đáy mở. Theo đó, đến ngày 11/9 đơn vị đã đón 2 tàu chở hàng của Trung Quốc có trọng tải 80.000 tấn vào nhập hàng tại cảng.


Cảng container quốc tế Cái Lân bốc xếp hàng xuất khẩu cho tàu nhận hàng tại cảng.

Với giải pháp được thay thế, trung bình mỗi ngày Cảng container quốc tế Cái Lân bốc xếp được 20.000 tấn hàng rời, năng suất đạt cao hơn so với thời điểm trước bão số 3. Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Cái Lân, cho biết: Để động viên, khuyến khích cán bộ công nhân viên yên tâm làm việc sau bão số 3, Công ty đã hỗ trợ cho toàn bộ 230 cán bộ, công nhân viên mỗi người 2 triệu đồng và chi thưởng tháng lương thứ 13 ngay trong kỳ lương tháng 9; đồng thời dành 30.000 USD để hỗ trợ nếu gia đình cán bộ, công nhân viên bị thiệt hại nặng do cơn bão số 3 gây ra.

Được biết, với sự tích cực, chủ động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đến ngày 15/9 đã có trên 50 tàu du lịch của các công ty quay trở lại hoạt động đưa đón khách tham quan Vịnh Hạ Long. Các công ty lữ hành cũng đã đưa, đón trên 6.000 du khách tham quan trở lại Vịnh Hạ Long, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế. Cùng với đó, 100% các đơn vị trực thuộc ngành than cũng đã cơ bản hoàn thành việc khắc phục thiệt hại sau bão, đi vào hoạt động ổn định.

Cần thêm những trợ lực

Những thiệt hại của doanh nghiệp do bão số 3 trên địa bàn tỉnh rất nặng nề. Ngoài một vài doanh nghiệp còn có thể trụ vững, thì cơ bản các doanh nghiệp đang gặp những khó khăn nhất định về vốn, lãi suất ngân hàng, đứt gãy chuỗi nguyên liệu đầu vào. Khi chưa có bão số 3, theo thống kê của Sở KH&ĐT tỉnh, trong 8 tháng, toàn tỉnh có 1.355 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023 và có 186 doanh nghiệp giải thể, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tính sau cơn bão số 3 này, ước tính số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể có thể tăng đột biến. Đây là áp lực đặt ra cho các cấp, các ngành cần phải sớm có những cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để tạo động lực cho doanh nghiệp vực dậy, tái hoạt động sản xuất, kinh doanh để có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những tháng cuối năm 2024.


Lãnh đạo TKV kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão số 3 tại Công ty Than Mạo Khê.

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh đều đang gặp rất nhiều khó khăn vì bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Tâm tư của doanh nghiệp là cần được nhà nước khoanh nợ, hoãn, giãn nộp thuế, lãi suất ngân hàng và mong muốn được tiếp cận với nguồn vốn vay mới với mức lãi suất thấp nhất để có nguồn lực tái hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo nhiều doanh nghiệp, gần như toàn bộ tài sản đều đã được thế chấp tại các ngân hàng để vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Bão số 3 đã lấy đi toàn bộ tài sản, hiện khó có thể vực dậy, rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của Nhà nước và tỉnh. Được biết, trước những khó khăn của doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, tỉnh Quảng Ninh sẽ triệu tập kỳ họp bất thường HĐND tỉnh khóa XIV để xem xét, quyết nghị ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ. Mục tiêu cao nhất của tỉnh là sớm khôi phục lại mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

                  Trên 50 tàu du lịch của các doanh nghiệp tham gia đón khách tham quan Vịnh Hạ Long sau bão số 3.

Ông Phạm Hồng Biên, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Tỉnh sẽ rà soát lại toàn bộ dự toán ngân sách từ đầu năm, cơ cấu lại các nhiệm vụ chi để dành tối đa nguồn lực chi khắc phục hậu quả bão số 3, đặc biệt là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề trong sản xuất, kinh doanh.

Việc dành nguồn vốn ngân sách nhà nước chi hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do bão số 3 là hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên chưa thể là nguồn lực chính giúp người dân, doanh nghiệp sớm vực lại sản xuất, kinh doanh. Điều cốt lõi mà doanh nghiệp, người dân cần vào thời điểm này là các ngân hàng khoanh nợ, hoãn giãn nộp lãi suất vay. Theo doanh nghiệp và người dân, nếu không được khoanh nợ thì lãi suất sẽ tiếp tục được cộng dồn, trong khi doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại tài sản, nhà xưởng không thể tái hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một sớm, một chiều.

Ông Vũ Đức Hưởng, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Hiện tại Vân Đồn có trên 700 doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình vay vốn ngân hàng để nuôi trồng thủy sản, với tổng số tiền trên 1.200 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng, các doanh nghiệp, người dân phải trả lãi ngân hàng 3,6 tỷ đồng. Nếu không được khoanh nợ, sẽ dẫn đến tình trạng lãi chồng lãi vì gần như tài sản đã được thế chấp và những ô lồng nuôi cá, giàn hàu đã bị mất trắng do bão.

Các xe hàng chờ xuất khẩu qua Lối mở Cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên (TP Móng Cái). Ảnh: Hữu Việt

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 là hoàn toàn xác đáng, phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, việc khoanh nợ tại các ngân hàng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ. Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Đơn vị tiếp thu đầy đủ những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân và sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh tổng hợp, tham mưu, báo cáo bộ, ngành liên quan và Chính phủ xem xét, giải quyết.

Những thiệt hại do bão số 3 gây ra cho người dân, doanh nghiệp của tỉnh là rất nặng nề, nhưng với tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, người dân, doanh nghiệp sẽ sớm vượt qua mọi khó khăn, thách thức trước mắt, từng bước vực dậy, phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp tích cực trong xây dựng Quảng Ninh ngày càng hiện đại, văn minh, giàu mạnh.

Mạnh Trường



Gửi ý kiến phản hồi

Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Thống kê truy cập
Hôm nay: 450
Đã truy cập: 3284727

© Cổng thông tin điện tử Tỉnh Qu​ảng Ninh
​Giấy phép xuất bản: số 53/GP-TTĐT ngày 27/05/2015 - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông
Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh 
Cơ quan thường trực mạng: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. 
Ghi rõ nguồn "Quảng Ninh Portal" khi phát hành lại thông tin từ ​​Website này.​​